Nền kinh tế Việt Nam vẫn vận hành bằng công thức cũ “vốn FDI + lao động giá rẻ + tài nguyên thiên nhiên = xuất khẩu”.

Kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng (Ảnh: VnExpress)
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý I năm nay nhìn chung không đến nỗi nào, đà phục hồi này phù hợp với dòng chảy chủ đạo – tăng trưởng trở lại của kinh tế toàn cầu.
Điểm sáng lớn nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Trên tất cả, đây là quả ngọt đương nhiên sau nỗ lực của Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc trong suốt 5 năm qua.
Có thể nói là lần đầu tiên, Việt Nam xúc tiến đầu tư bài bản giống như cách mà Ấn Độ, Indonesia thường làm, đó là thiết kế các cuộc gặp trực tiếp với các đại doanh nghiệp, trong đó có Apple, Foxconn, Luxshare.
Đây là thay đổi tư duy có tính bước ngoặt trong thu hút đầu tư nước ngoài, thay vì bị động, ngồi nhà chờ khách hàng đến, thì các Bộ, ngành đã biết cách tiếp thị hình ảnh, môi trường đầu tư đến với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Điểm sáng tiếp theo là lĩnh vực ngoại thương. Đặc biệt trong xuất khẩu 3 tháng đầu năm, thị trường Mỹ dần đầu doanh số với 21,2 tỷ USD, chiếm gần một nửa kim ngạch so với tổng dung lượng thị trường Trung Quốc, EU và ASEAN.
Mừng nhưng không phải hoàn toàn vui, vì hàng Việt Nam đi Mỹ dường như vắng bóng nông sản, các nhóm hàng chủ lực do nước ta chủ động sản xuất, chế biến – xương sống kinh tế Việt Nam, kế sinh nhai của hàng chục triệu dân.
Ngoài gỗ, đa phần là máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử hoàn thiện và linh kiện rời. Đây đều là những mặt hàng mà Việt Nam hoàn toàn không có thế mạnh từ nội lực. Đơn cử như mặt hàng điện thoại thông minh “Made in Vietnam”, hầu hết nằm trong tay ông lớn Samsung.
Lợi tức mà chúng ta nhận được chỉ là công ăn việc làm cho mấy vạn lao động giá rẻ và thuế doanh nghiệp, biết rằng doanh số của Samsung Việt Nam năm 2019 trên 78 tỷ USD, xấp xỉ 1/3 GDP Việt Nam! Điều này rất không bền vững.
Một điểm sáng tiếp theo là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng dẫn đầu động lực tăng trưởng. Diễn biến này phù hợp với định hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế.
Nếu xem kinh tế Việt Nam như cái cây thì phần ngọn khá tươi tốt còn phần gốc khá yếu. Đây là một nghịch lý, có vẻ phần ngọn đang được nuôi dưỡng bởi chất kích thích không phải đến từ bộ rễ!
Nói vậy là bởi, tình hình hoạt động của doanh nghiệp 3 tháng đầu năm nay rất ảm đạm. Các chỉ số thành lập mới, tái hoạt động đều giảm lần lượt 1,4% và 0,5%, ngừng kinh doanh và giải thể tăng 28,2% và 26,4% so với cùng kỳ.
Xem ra, thành công của công cuộc chống dịch COVID-19 phần lớn phát huy ở mặt chính trị – xã hội, thực tiễn kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp bây giờ mới thực sự thấm đòn.
Trong khi trên thế giới tung ra hàng chục nghìn tỷ USD cứu trợ doanh nghiệp với điều kiện vay dễ dàng, thậm chí FED đưa lãi suất về cận 0%, châu Âu xuất hiện lãi suất âm nhưng tại Việt Nam không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận gói cứu trợ một cách tương tự.
Ví dụ, tại Pháp có tới 10% doanh nghiệp lớn được chính phủ đảm bảo duy trì hoạt động bằng nguồn vốn dồi dào; lãi suất tín dụng cá nhân ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha về mức âm 0,25%.

Nhưng nền kinh tế vận hành với công thức cũ (Ảnh: VnExpress)
Đúng như khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân hồi cuối năm 2020, có tới 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết không thể tiếp cận gói cứu trợ do không đủ điều kiện và thông tin về chính sách.
Lại là một nghịch lý, trong khi nhà nước làm mọi cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài thì những điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp nội trong lúc nguy nan lại rất khó dỡ bỏ!
Với đòn bẩy thuế, như chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thông tin, nếu giảm 1% thuế giá trị gia tăng (VAT) ngân sách có thể hụt thu 30.000 tỷ đồng. Như vậy, các công cụ tài chính của Việt Nam đang triển khai rất chậm và không thực sự phát huy hiệu quả.
Lát cắt kinh tế quý I cho thấy rõ ràng tính chất của nền kinh tế Việt Nam, điểm yếu cố hữu chính là hạn chế sức mạnh nội lực, ngày càng cho thấy tầm quan trọng của khu vực FDI.
Mặc dù bất cứ con số tăng trưởng nào trong giai đoạn này đều quý giá. Song, chúng ta vẫn chưa thoát ra được mô hình tăng trưởng đã sử dụng nhiều thập kỷ nay, đó là công thức “vốn FDI + lao động giá rẻ + tài nguyên thiên nhiên = xuất khẩu”.
Nguồn: //enternews.vn/luan-giai-buc-tranh-kinh-te-quy-i-194433.html